SUY DINH DƯỠNG


Trong khi người dân thành phố lớn đang đương đầu với các bệnh lý do thừa dinh dưỡng thì ở nhiều vùng quê, tình trạng suy dinh dưỡng lại là nguy cơ lớn.

Ở bệnh viện tuyến dưới, tôi gặp những bệnh nhân nặng. Vào đến viện, bệnh chính đã rất khó chữa, lại còn kèm tình trạng suy kiệt, cơ thể còn da bọc xương.

Một người bệnh 87 tuổi tôi vừa điều trị gần đây nhập viện với chẩn đoán: Cơn đau thắt ngực ổn định, suy tim do hở hai lá, viêm dạ dày, suy kiệt nặng. Bà cụ chỉ còn 26 kg, hốc hác, dấu hiệu mất nước rõ, môi khô, hơi thở có mùi. Sau khi khám và cho thuốc, tôi yêu cầu người nhà cho bệnh nhân uống sữa. Bà cụ không quen uống sữa nhưng trước áp lực của bác sĩ, bà “ngoan ngoãn” nghe lời. Sau một tuần vừa truyền dịch bổ sung dinh dưỡng, vừa nghe ngóng suy tim, cộng với ăn uống tăng cường, bệnh nhân tăng cân từ 26 kg lên 30 kg. Ngày ra viện, cụ tự xúc ăn hết hai hộp cơm, sức khỏe khá lên thấy rõ.

Một nghiên cứu được Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM công bố năm 2016 cho thấy, gần 65% người cao tuổi nằm viện bị suy dinh dưỡng. Một người bị coi là suy dinh dưỡng khi sụt từ 5-10% trọng lượng cơ thể trong vòng sáu tháng tới một năm.

Dinh dưỡng ai cũng biết là rất quan trọng nhưng thực tế ít được quan tâm, tìm hiểu. Tổng năng lượng người bình thường cần trong một ngày là 3-4 kcal/kg. Ví dụ người nặng 50 kg thì một ngày cần 1.500-2.000 kcal. Cụ thể hơn, người 50 kg cần khoảng 225 g glucid, 42 g lipid và 60 g protein.

Nhưng đây là số liệu tinh chất, sau đó ta phải tra bảng để biết hàm lượng dinh dưỡng thực tế trong thực phẩm. Ví dụ, một bát cơm có 130 kcal, ba bát cháo bằng một bát cơm, một tô mì ăn liền chứa 190 kcal, một cái bánh mì nhỏ chứa 80 kcal – bằng một quả chuối, một quả trứng có 155 kcal, 100 g thịt bò chứa 250 kcal và 28 g protein, 100 thịt heo chứa 139 kcal và 19 g protein…

Tôi chỉ nói rất vắn tắt cách quy đổi theo bảng thành phần dinh dưỡng để hiểu phần nào lý do người bệnh thường bị suy dinh dưỡng. Vì không thể ăn được. Một người nặng 50 kg khi bệnh làm sao ăn hết 7- 8 bát cơm và ba lạng thịt nạc một ngày. Nếu đổi ra cháo còn kinh dị hơn nữa, phải ăn hết ít nhất 20 bát cháo thịt mỗi ngày. Người già khi ốm thường kèm theo chán ăn, ngày ăn vài lần, mỗi lần vài thìa cháo, tổng cộng cả ngày nạp vào người khoảng 100 kcal, đáp ứng chỉ một phần mười nhu cầu, nên chỉ nằm nhà khoảng 10 ngày là rơi vào suy kiệt nặng.

Tính toán trên của tôi cũng mới chỉ nói đến những nhu cầu lớn, chưa đề cập đến các nguyên tố vi lượng: Kali, magie, natri, các vitamin… Vô cùng phức tạp. Vì thế mới cần phải có bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, không thể phụ thuộc vào phép cộng trừ nhân chia của người nhà. Ngoài ra, với các trường hợp cần tới dinh dưỡng chuyên sâu như dinh dưỡng bệnh lý, nuôi ăn qua sonde với người tai biến mạch não, hôn mê… thì cần bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng khám và cho y lệnh nuôi dưỡng.

Khoa Dinh dưỡng ở các bệnh viện là chuyên khoa nghiên cứu ứng dụng các phương pháp chữa bệnh bằng ăn uống và xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp theo từng bệnh lý khác nhau, dựa trên sự phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Người bệnh được điều trị bằng dinh dưỡng có thể giúp rút ngắn thời gian chữa bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng.

Hầu hết bệnh viện tại các thành phố lớn đều có khoa hoặc tổ dinh dưỡng tiết chế. Tuy nhiên, hoạt động của bộ phận này được đánh giá chưa chất lượng do thiếu sự quan tâm đúng mức. Ở nhiều bệnh viện tuyến dưới hiện nay, hầu hết các khoa dinh dưỡng phải giải tán vì không có kinh phí. Dinh dưỡng cho người bệnh vì thế do người nhà tự lo, nên mắc nhiều sai lầm.

Nếu ai đó có người nhà đang mắc bệnh, hẳn đều rất quen với tình trạng được người quen, người thân mách cho thực đơn ăn uống: ăn món này, uống thuốc kia. “Có bệnh thì vái tứ phương”, nên điều dễ xảy ra, là ai mách gì cũng làm, không đủ kiến thức để tính toán khoa học và phù hợp, khiến người bệnh phải nạp vào nhiều loại thực phẩm khác nhau, sinh ra khó tiêu, thậm chí có hại cho sức khỏe.

Giải pháp thực tế cho người nhà, khi không thể tiếp cận khoa dinh dưỡng, là phải rất mềm dẻo, chủ yếu giải thích động viên bệnh nhân. Một biện pháp thích hợp là nấu súp dinh dưỡng hoặc dùng sữa chuyên dùng cho người ốm. Nếu nấu hoặc pha đúng công thức, có thể đạt mức năng lượng 1 kcal/ml. Đây là giải pháp chuyên dùng trong khoa dinh dưỡng của các bệnh viện lớn. Ví dụ người bệnh nếu ăn súp dinh dưỡng nấu đúng công thức, ngày sáu bữa (bốn bữa súp và hai bữa sữa), mỗi bữa 300 ml thì cả ngày sẽ ăn đến 1800 ml, có 1800 kcal, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng.

Bên cạnh thuốc, người bệnh cần được điều trị bằng dinh dưỡng, nên sự tồn tại của chuyên khoa dinh dưỡng và các bác sĩ có chuyên môn cao về lĩnh vực này, là điều không thể nào bị coi nhẹ; đặc biệt là ở các bệnh viện tuyến dưới, nơi phục vụ những bệnh nhân vốn đã ít được chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học từ khi còn khỏe mạnh.

Quan Thế Dân
Nguồn: https://vnexpress.net/suy-dinh-duong-4458901.html?fbclid=IwAR3qHC7Eq3U3-IehuG82s6ZASdVaSKgBYMr3oiasihZNRM2ae1pHsv7FaLY


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *