Trị viêm xoang, thuốc gì?

Suckhoedoisong.vn – Viêm xoang là bệnh thường gặp. Nếu không được điều trị đúng dễ dẫn đến mạn tính. Bệnh thường diễn biến nhiều vào mùa đông do ảnh hưởng của không khí lạnh.
Mục tiêu chính trong việc điều trị viêm xoang là giảm phù nề hoặc giảm viêm ở mũi và xoang; giới hạn nhiễm trùng, tăng dẫn lưu xoang và giữ cho các xoang được thông.
Để điều trị viêm xoang, ngoài các biện pháp để làm giảm bớt triệu trứng như nghỉ ngơi, xông mũi bằng cách hít thở hơi nước ấm, uống nhiều nước, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý…, các bác sĩ có thể dùng các thuốc để điều trị. Người bệnh không được tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào mà hãy tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng viêm xoang của bệnh nhân, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc sau để điều trị:

Thuốc giúp thông mũi

Thuốc dạng xịt: Bao gồm các thuốc naphazolin, oxymetazolin… cho tác dụng nhanh, giúp bạn dễ thở trong vòng 1 – 3 phút. Tuy nhiên, những thuốc này không nên dùng quá 3 ngày để tránh phụ thuộc vào thuốc.
Thuốc thông mũi đường uống: Thuốc dưới dạng viên hoặc hỗn dịch, có chứa những hoạt chất như ephedrin hoặc phenylephrin. Thường thì thuốc thông mũi đường uống đạt được hiệu quả trong vòng 30 – 60 phút. Cũng giống như thuốc dạng xịt, thuốc thông mũi đường uống có thể trở nên kém hiệu quả hơn nếu dùng lâu dài. Nếu lạm dụng có thể dẫn đến nhờn thuốc.
Cả thuốc dùng cho đường uống và đường xịt đều có tác dụng phụ, bao gồm tăng nhịp tim và huyết áp, mất ngủ, căng thẳng thần kinh, lo âu, run giật, khô miệng, nhìn mờ và nhức đầu. Chúng cũng có thể gây bí tiểu. Do đó, những người có tiền sử bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, lo âu hoặc bệnh lý đường niệu (đặc biệt là bệnh lý ở tiền liệt tuyến) nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc. Ngoài ra, phối hợp thuốc thông mũi với những loại thuốc khác có tác dụng phụ tương tự có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Vi khuẩn trong các hốc xoang gây viêm xoang.

Điều trị viêm xoang do nhiễm khuẩn

Mục tiêu chính của điều trị là quét sạch vi khuẩn ra khỏi xoang bằng kháng sinh giúp ngăn ngừa biến chứng, làm giảm triệu chứng và giảm nguy cơ bị viêm xoang mạn tính.
Trong những trường hợp viêm xoang cấp tính và chưa có biến chứng, có thể dùng penicillin tổng hợp như amoxicillin. Loại kháng sinh này cho hiệu quả tốt đối với những vi khuẩn thông thường và tương đối rẻ. Tác dụng phụ thường gặp của amoxicillin bao gồm phản ứng dị ứng (phát ban) và khó chịu ở dạ dày.
Những người dị ứng với penicillin có thể dùng kháng sinh có chứa trimethoprim/sulfamethoxazole.
Những nguời đã được điều trị viêm xoang cấp vài lần hoặc những người bị viêm xoang mạn có thể đề kháng với amoxicillin và TMP/SMX, có thể dùng cephalosporin.
Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý dùng vì lạm dụng những kháng sinh thuộc phổ rộng này có thể dẫn đến việc tạo ra những vi khuẩn kháng kháng sinh.

Điều trị tăng dẫn lưu

Nếu những dị nguyên từ môi trường là tác nhân gây viêm xoang, kích thích các bạch cầu trong máu và mô phóng thích histamin vào máu làm cho dịch len ra khỏi mạch máu đi vào mô của hốc mũi gây nghẹt mũi… thì có thể dùng thuốc kháng histamin để giảm phù nề niêm mạc xoang. Tuy nhiên, một số kháng histamin thế hệ 1 thông dụng có tác dụng an thần hiện nay không còn được khuyên dùng nữa vì chúng có khuynh hướng làm khô và tăng độ đặc của đàm làm cho quá trình dẫn lưu khó khăn hơn. Những thuốc kháng histamin không có tác dụng an thần như fexofenadin, loratadin hoặc desloratadin không làm khô niêm mạc thì có thể sử dụng. Nếu bị nghẹt mũi nặng, có thể cho thêm thuốc thông mũi như allegra-D hoặc claritin-D.

Giữ thông xoang

Để điều trị viêm xoang cấp, có thể cần dùng 1 hay nhiều loại thuốc. Đối với viêm xoang cấp tái hồi hoặc viêm xoang mạn tính, có thể thêm thuốc corticoid xịt mũi để làm giảm triệu chứng. Những thuốc thường được các bác sĩ kê đơn là beclomethason, fluticason, triamcinolon, flunisolide và vancenase.
Corticoid là chất ức chế quá trình viêm, khi xịt mũi tác động trực tiếp lên lớp niêm mạc ở hốc mũi và xoang đồng thời tác dụng rất ít lên phần còn lại của cơ thể khi được dùng với liều cho phép. Tuy nhiên, muốn sử dụng thuốc này, bạn cần phải có đơn bác sĩ. Những loại thuốc này không làm giảm triệu chứng ngay lập tức như thuốc thông mũi nhưng một khi đã đạt được liều điều trị thì triệu chứng thường sẽ được cải thiện và có thể sẽ không cần phải sử dụng thuốc thông mũi nữa. Trong những tháng mà những yếu tố dị nguyên từ môi trường xuất hiện nhiều (thời tiết lạnh, hanh khô, khói bụi nhiều…), sử dụng corticoid xịt mũi sớm có thể giúp ngăn ngừa viêm xoang và giữ cho các xoang được thông và dẫn lưu tốt.

Phòng ngừa viêm xoang

Để giảm nguy cơ mắc viêm xoang cấp tính, bạn hãy thực hiện các biện pháp phòng chống đơn giản mà hiệu quả như sau:
Hãy tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây dị ứng cho bản thân mà mình đã biết; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ ngôi nhà của bạn; phòng tránh bị nhiễm trùng hô hấp trên; giảm thiểu tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm, cảm lạnh; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là trước các bữa ăn; thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý; điều trị dứt điểm tình trạng sâu răng cũng giúp tránh bị viêm xoang do biến chứng của sâu răng; giữ độ ẩm không khí trong  phòng ở mức hợp lý. Nếu không khí trong nhà khô, thêm độ ẩm cho không khí có thể giúp ngăn ngừa viêm xoang.

BS. Nguyễn Văn Hùng
Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Bí quyết giúp bạn không còn lo lắng về ho, đau họng, khản tiếng nữa!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *