Bún Khô Sạch, An Toàn Tốt Cho Sức Khỏe – Bún Đương Quy – Bún Dược Liệu

Bún Đương quy – Từ một cây thuốc quý, khó trồng, HTX Nông dược xanh Tinh Hoa (xã Quảng La, huyện Hoành Bồ) đã nghiên cứu nhân giống rồi tinh chế sản xuất thành công sản phẩm bún đương quy dược liệu ăn liền. Đây là một trong những sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP, được người tiêu dùng ưa thích lựa chọn.

Xuất hiện tại Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tháng 11/2017, sản phẩm bún dược liệu đương quy ăn liền là một trong các mặt hàng tiêu thụ nhanh. Sản phẩm này được người tiêu dùng quan tâm, đánh giá cao bởi tính tiện dụng. Khách hàng Nguyễn Thị Thanh Huyền, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, chia sẻ: “Tôi rất ưng sản phẩm này, bởi đây là thực phẩm ăn liền tiện dụng, mất ít thời gian chế biến. Hơn nữa, đây là sản phẩm tinh chế từ thảo dược, tốt cho sức khỏe, không sử dụng chất bảo quản.”.

Sản phẩm bún dược liệu của HTX Nông dược xanh Tinh Hoa (Hoành Bồ).

Trao đổi về sản phẩm bún đương quy, ông Phạm Thanh Phong, Giám đốc HTX Nông dược xanh Tinh Hoa, cho biết: Theo dược điển, đương quy là một vị thuốc quý, bổ máu, tốt cho sức khỏe, tiêu hóa và có hương vị thơm ngon, có thể dùng trong các món ăn. Vì thế, đơn vị đã nghiên cứu trồng ở tỉnh nhà, ngoài chế biến thảo dược còn chế biến thành các thực phẩm ăn liền, tiện dụng. Đây cũng là xu hướng chung ở các đơn vị chế biến nhằm gia tăng giá trị cây dược liệu.

Đầu năm 2016, HTX Nông dược xanh Tinh Hoa bắt đầu nghiên cứu, dày công thử nghiệm cây thảo dược vốn khó tính, chỉ mọc ở điều kiện khí hậu lạnh. Với lợi thế về diện tích và các yếu tố canh tác phù hợp, đơn vị đã nhập hạt giống và chuyển giao kỹ thuật từ Trung tâm Giống cây trồng (Hà Nội) về canh tác ở các trang trại của đơn vị ở xã Quảng La (Hoành Bồ) và Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Với mùa đông lạnh ở miền núi Hoành Bồ, đơn vị đã lựa chọn xuống giống bằng cách gieo hạt vào các tháng cuối năm (từ tháng 9 – 12 âm lịch). Khi cây phát triển, tiếp tục tách giống đem đi ươm, trồng. Đương quy rất khó tính nên phải chăm sóc kỹ, lên luống, xới đất tơi xốp thường xuyên, ít nhất 1 lần/tháng; chăm sóc cây hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, như: Tưới nước, bón phân gà và các loại phân hữu cơ, không sử dụng phân hóa học bởi sẽ gây hỏng củ… Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối năm 2016, đơn vị đã trồng thành công trên diện tích 400m2, đồng thời chọn lọc, thuần được hạt giống cho những mùa sau.

Chủ động được nguồn nguyên liệu, HTX Nông dược xanh Tinh Hoa đã tiến hành nghiên cứu phơi sấy, tinh chế phối hợp với bún gạo truyền thống. Để chế biến sản phẩm này, củ tươi phải được xử lý kỹ, phơi khô. “Tuy nhiên, để chế biến bún hoặc thảo dược, đương quy cần được phơi nắng, sấy khô ở 400C, sau đó tăng dần lên 60-700C để củ khô kiệt, tránh hỏng, mốc. Sau đó, được đưa qua máy nghiền nhỏ rồi lọc bằng vải lưới cho thật nhỏ, mịn rồi trộn với bột gạo. Hỗn hợp đương quy này được đưa vào dây chuyền làm bún qua các khâu xoắn, ép nhiệt để thành sợi bún rồi đưa đi quạt, ủ, phơi trong nhà kính ra thành phẩm”, chị Nguyễn Thị Linh, kỹ thuật viên HTX chia sẻ cách thức chế biến sản phẩm.

Người tiêu dùng chọn mua bún đương quy ở Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP 2017.

Để tạo ra sản phẩm thực phẩm tốt cho sức khỏe, các kỹ thuật viên đã nghiên cứu, thử nghiệm phối trộn đương quy theo các tỷ lệ nhất định để phù hợp với nhiều người, nhiều lứa tuổi. Đơn vị đã tìm tòi ra công thức phối trộn thảo dược này với các loại gạo ngon ở địa phương sao cho đủ độ kết dính mà vẫn thơm ngon, đảm bảo dược tính, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bún đương quy không sử dụng chất bảo quản nào, quy trình bảo quản tốt có thể sử dụng được 18 tháng. Giống như các thực phẩm ăn liền khác, chỉ cần trần bún trong nước sôi từ 5-7 phút, xả bằng nước sạch cho tơi là dùng được. Bún đương quy tham gia Chương trình OCOP năm 2016 và chủ yếu được xuất bán theo các đơn đặt hàng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *